Tại sao lại là ” nhà cao cửa rộng “.
Một câu hỏi tất yếu đặt ra là tại sao cùng với nhà cao, người ta không làm cửa cao mà lại làm cửa rộng? Cửa không làm cao là để tránh cái nắng xiên khoai và tránh bị ma hắt. Để tránh nắng, người ta còn đan những tấm dại lớn bằng tre nứa để cản bức xạ nhiệt từ mặt trời và bức xạ nhiệt thứ cấp từ sân hắt vào. Cũng để tránh nắng, tạo ra một vành đai bóng mát quanh nhà và hắt ma ra xa chân các cột gỗ, đầu dói mái nhà Việt Nam (giọt gianh) thường được đưa ra khá xa so với hàng hiên; mái nhà sàn ở vùng núi thậm chí có giọt gianh gần ngang với mặt sàn.
Còn phải làm cửa rộng là để đón gió cho thoáng mát, tránh nóng. Đầu hồi nhà trường để trống một khoảng hình tam giác để cho hơi nóng và khói đun bếp trong nhà bốc lên có chỗ thoát ra; đây cũng là một thứ cửa – cửa sổ trên cao – nó cùng với các cửa ở dưới tạo thành một hệ thống thông gió hoàn chỉnh. Cửa rộng để đón gió mát, nhưng đồng thời mặt khác lại phải tránh gió độc, gió mạnh; bởi vậy. Dân gian có kinh nghiệm không làm cổng và cửa thẳng hàng (cửa chính thường ở giữa nhà, còn cổng thường lệch về bên trái); tuyệt đối tránh không để con đường trước mặt đâm thẳng vào nhà. Trường hợp bất khả kháng, phải làm một tấm bình phong bằng cây xanh hoặc bằng gạch để ngăn bớt gió và phân tán chúng sang hai bên.
Hướng nhà tiêu biểu trong kiến trúc Việt Nam.
Biện pháp quan trọng thứ hai để đối phó với môi trường tự nhiên là chọn hướng nhà, chọn đất. Đó là cách tận dụng tối đa thế mạnh của môi trường tự nhiên để đối phó với nó.
Đơn giản hơn cả là chọn hướng nhà. Hướng nhà tiêu biểu là hướng Nam : lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam. Câu tục ngữ tưởng chừng vô lí đó thực ra rất dễ hiểu ; Đối với người Việt Nam đã làm nhà thì phải là nhà hướng Nam – điều đó cũng hiển nhiên như việc lấy vợ phải là đàn bà vậy! Sở dĩ như thế là vì Việt Nam ở gần biển, trong khu vực gió mùa. Trong bốn hướng thì duy nhất chỉ có hướng Nam (hoặc đông Nam) là hướng tối ưu; Buổi sáng và buổi chiều không bị nắng chiều xiên khoai; và tránh được cái nóng từ phương Tây, cái bão từ phương Đông; và gió lạnh từ phương Bắc (gió bấc) thổi về vào mùa rét, lại vừa tận dụng được gió mát từ phương Nam (gió nồm) thổi đến vào mùa nóng. Muốn mát thì không gì cho bằng gió tự nhiên, gió Nam; tục ngữ có câu: Một trăm người hầu không bằng ở đầu ngọn gió và Gió Nam chưa nằm đã ngáy.
Quan sát thực địa cho thấy rằng, từ thời nguyên thủy, người xưa đã biết tận dụng hướng Nam này để chống nóng và chống rét : phần lớn hang động Hòa Bình có người ở đều quay về hướng Nam hoặc Đông Nam. Không một hang có người ở nào lại có cửa quay về hướng bắc. Các tòa thành có nhiều cửa mở ra bốn phía thì cửa chính bao giờ cũng là cửa phía Nam (Ngọ Môn của kinh thành Huế có nghĩa là cửa phía Nam, “ngọ” là phương Nam theo trục tư ngọ trên la bàn của thầy địa lý).
Nhà nhìn về hướng Nam cho nên cây đòn nóc nằm theo hướng đông-tây. Theo truyền thống văn hóa nông nghiệp trọng bên trái; người ta quy ước đặt gốc cây đòn nóc ở phía Đông (phía Đông bên trái ) ; cho nên đòn nóc còn có tên gọi là đòn đông, nhiều nơi dọc chệch thành đòn dông. Cũng do truyền thống trọng bên trái, bàn thờ Thổ công (ông Táo) – vị thần quan trọng nhất; cai quản cái bếp, cái nhà – được đặt ở gian bên trái; bài vị của ông vì thế được ghi là Trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Cả cái bếp cũng được đặt bên trái (phía Đông), biệt lập và vuông góc với nhà chính, nhìn về hướng lây. Tại sao bếp lại nhìn về hướng Tây? Kinh nghiệm dân gian cho rằng nếu bếp làm không đúng hướng thì gia đình sẽ lục đục và hay sinh hỏa hoạn. Đó là do chức năng đặc biệt của bếp là nấu nướng; bếp nhìn về hướng Tây sẽ tránh được ngọn gió thường xuyên thổi từ phía biển (hướng Nam và Đông); trong trường hợp ngược lại; ngọn lửa sẽ bị gió tạt về phía vách gây cháy nhà, chí ít là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt (như thế thì làm gì mà gia đình không sinh lục đục!).
Nhưng nếu chỉ chọn hướng một cách giản đơn thì nhiều khi không giải quyết được vấn đề. Bởi lẽ tùy thuộc vào địa hình địa vật xung quanh, vào sự có mặt của núi, của sông, của con đường.v.v. mà ảnh hưởng của gió, nắng…. sẽ khác nhau. (cho nên ngoài việc chọn hướng, còn phải chọn nơi, chọn chỗ: (chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở).
Trích Kiến trúc Việt Nam
GS-TS Trần Ngọc Thêm
Cơ sở văn hóa Việt Nam, TP.HCM, 1996
GỖ TÂN KIẾN – GÌN GIỮ NẾP NHÀ VIỆT
Gỗ Tân Kiến là đơn vị thi công nhà gỗ, nhà thờ họ uy tín và chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực. Với bề dày kinh nghiệm cũng hiệp thợ tận tâm giàu nhiệt huyết, Gỗ Tân Kiến hứa hẹn sẽ mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến với quý khách hàng.
XƯỞNG NHÀ GỖ TÂN KIẾN
Địa chỉ: KCN Canh Nậu Thạch Thất Hà Nội
Điên thoại: 0837736565 nghệ nhân Nguyễn Đình Tĩnh
Hotline: 0848252555 Kts Nguyễn Đình Tân
Website: https://gotankien.com