Chi tiết cấu tạo nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ

TÍNH CHÂN THỰC VÀ GIẢN DỊ TRONG NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG.

Cấu tạo nhà gỗ truyền thống luôn đề cao tính chân thực, sự giản dị và tính chừng mực. Tính chân thực trước tiên ở thái độ ứng xử với vật liệu. Gỗ được sử dụng với những tính năng và vẻ đẹp vốn có. Kiến trúc truyền thống của người Việt luôn được tạo dựng trên một quan điểm: cái đẹp trong sự tự nhiên; cái đẹp từ trong ra; cái đẹp gắn với chữ “Tâm”. Kiến trúc ấy xa lạ với mọi biểu hiện phô trương, hình thức. Ngôi nhà gỗ quả là một sản phẩm của tự nhiên, lịch sử và tư duy kiến tạo Việt. 

Các chất liệu gỗ thường được sử dụng trong nhà gỗ truyền thống như; gỗ Lim, gỗ mít, gỗ xoan, gỗ sến, gỗ gõ…

CHI TIẾT CẤU TẠO TRONG NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG BẮC BỘ.

Kết cấu nhà gỗ truyền thống là sự liên kết giữa rất nhiều chi tiết cấu tạo khác nhau. Với mỗi vùng miền thì tên gọi mỗi cấu kiện lại khác nhau.Có nhiều khách hàng khi tìm hiểu về nhà gỗ thấy bỡ ngỡ với cách gọi tên các cấu kiện đó trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Trong bài viết này Gỗ Tân Kiến xin giới thiệu về chi tiết cấu tạo nhà gỗ và tên gọi mỗi cấu kiện có trong nhà gỗ truyền thống Bắc Bộ; đã được lưu truyền lại từ xưa và đến thế hệ sau này vẫn sử dụng cách gọi như vậy.

Nếp nhà truyền thống Bắc Bộ

CHI TIẾT CẤU TẠO NHÀ GỖ TRUYỀN THỐNG BẮC BỘ.

HỆ CỘT.

Cột là phần đỡ chính của công trình, toàn bộ khối lượng công trình đều đặt lên các cột. Cột tròn và to mập, phình ở giữa. Tiết diện của cột thường là cột thân tròn nhưng cũng có khi dùng cột vuông.

Dáng cột chuẩn với dạng “đầu cán cân, chân quân cờ”

Sức nặng công trình được đặt lên cột, cột đặt lên các đế chân cột chứ không chôn xuống nền và chính sức nặng của công trình làm công trình ổn định và vững vàng. Hệ cột bao gồm 3 hệ cột chính.

Hệ cột sau khi được tiện tròn.
  1. Cột cái : Cột chính của nhà đặt ở hai đầu nhịp chính tạo chiều sâu cho gian giữa. Nối hai cột cái là câu đầu.
  2. Cột con : cột phụ ngắn hơn cột cái, nằm ở đầu nhịp phụ hai bên nhịp chính. Khác biệt chiều cao của cột cái và cột con tạo ra độ dốc của mái nhà.
  3. Cột hiên : nằm ở hiên nhà, phía trước, ngắn hơn và nhỏ hơn cột con.
Hệ cột vì thuận

KÉT CẤU HỆ MÁI.

  • Hoành là các dầm chính đỡ mái đặt nằm ngang theo chiều dài nhà, vuông góc với khung nhà.
  • Dui hay rui là các dầm phụ trung gian, đặt dọc theo chiều dốc mái (trực giao với hoành), gối lên hệ thống hoành.
  • hay Li tô là các dầm phụ nhỏ, đặt trực giao với dui, song song với hoành, gối lên hệ dui. khoảng cách giữa các mè là nhỏ nhất, vừa đủ để lợp ngói. Việc sử dụng hệ kết cấu hoành – dui – mè, nhằm phân nhỏ nhịp của kết cấu đỡ mái thành hệ lưới vừa đủ để lát lớp ngói màn và lợp ngói bên trên.
  • Ngói màn  là một loại ngói lá nem đơn bằng đất nung, có tác dụng đỡ ngói đồng thời tạo độ phẳng cho mái, chống thấm dột và chống nóng. Ngói màn ngồi trực tiếp trên lớp mè.
  • Ngói mũi hài hay ngói mũi cổ, bằng đất nung, trực tiếp chống thấm dột và chống nóng, lợp trên lớp ngói màn và cũng có thể có lớp đất sét kẹp giữa, thường dùng cho kiến trúc truyền thống.
Hệ hoành – rui trong nhà gỗ truyền thống

CẤU KIỆN XÀ

 là các giằng ngang chịu kéo, liên kết các cột với nhau, gồm có các loại xà nằm trong khung và các loại xà nằm ngoài khung vuông góc với khung.

Xà nằm trong khung, thường đặt ở cao độ đỉnh các cột quân để liên kết được cả cột cái và cột quân, gồm:

  • Xà lòng hay quá giang: liên kết các cột cái của khung;
  • Xà nách: liên kết cột quân vào cột cái, trong khung.
Chi tiết tên gọi cấu kiện trên vì tứ tiền kẻ hậu bẩy.

Các loại xà nằm ngoài khung gồm có:

Hình ảnh liên kết xà giữa các vì với nhau
  • Xà thượng liên kết đỉnh các cột cái; xà này song song với chiều dài của nhà.
  • Xà hạ hay xà đại, liên kết các cột cái tại cao độ đỉnh cột quân, gần sát vị trí liên kết xà lòng, xà nách vào cột cái. Xà này cũng chạy song song với chiều dài của nhà.
  • Xà tử thượng (xà trên của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên trên.
  • Xà tử hạ (xà dưới của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên dưới, tại mức độ cao ngay trên hệ cửa bức bàn.
  • Xà ngưỡng nối các cột quân ở vị trí ngưỡng cửa. Xà này đỡ hệ thống cửa bức bàn.
  • Xà hiên liên kết các cột hiên của các khung.
  • Thượng lươngNóc : đặt trên đỉnh mái nhà.

CẤU KIỆN KẺ – BẢY ( BẨY )


Bảy và kẻ, trong kiến trúc cổ Việt Nam, là các thanh gỗ nối các cột chạy theo phương của mái dốc.

Bảy hiên là loại cấu kiện chỉ đưa từ cột hiên ra đỡ mái nên khả năng chịu lực kém hơn đấu-củng, nghé bảy đỡ xà nách. Bảy hậu : là dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân phía sau nhà, đỡ phần mái vẩy phía sau.

Kẻ là thành phần dài hơn bảy. Kẻ thường để nối hai cột trong vì với nhau (kẻ chuyền), hoặc có thể chạy suốt theo chiều dốc mái từ nóc xuống (kẻ suốt). Kẻ và bảy có thể thẳng, cũng có thể cong để tạo dáng thêm đẹp, hơn nữa là tăng cường độ chịu lực.

Kẻ ngồi loại kẻ gác từ cột cái sang cột quân, trong khung.

Kẻ hiên gác từ cột quân sang cột hiên, trong khung. Một phần kẻ hiên được kéo dài đâm xuyên qua cột hiên để đỡ phần chân mái.

Có thể thấy ngoài công năng chịu lực, kẻ bẩy cũng góp phần tạo sự mềm mại uyển chuyển cho nếp nhà gỗ truyền thống. Cùng với đó là các nét đục chạm tinh xảo.

CẤU KIỆN LIÊN KẾT KHÁC

Câu đầu là dầm ngang chính đặt trên cùng, khoá các đầu trên của các cột cái trong khung (gác lên các cột cái).

Câu đầu trong quá trình tạo dáng

Con rường hay chồng rường là các đoạn gối đỡ mái dạng dầm gỗ hộp để đỡ hoành mái, được đặt chồng lên nhau. Chiều dài của chúng thu ngắn dần cân theo chiều vát của mái, càng lên cao các con rường bên trên càng ngắn. Ở vì nóc các con rường nằm chồng lên câu đầu.

Hình ảnh con rường

Con lợn còn gọi là rường bụng lợn: là con rường trên cùng, gối lên con rường bên dưới qua hai đoạn cột ngắn gọi là trụ trốn, và làm nhiệm vụ đỡ xà nóc (thượng lương).

Quá trình xàm con lợn

Rường cụt là loại rường nằm ở vì nách (giữa cột cái và cột quân), hoặc vì hiên, chúng nằm chồng trên xà nách, chúng cũng đỡ hoành và vẫn thu dần chiều dài khi lên cao theo độ dốc mái.

Hình ảnh rường cụt

Bồn hiên nằm tại đốc hiên nếu vì hiên không làm theo lối chồng rường.

Hình ảnh bồn hiên thay hệ rường cụt tại vì hiên.

HỆ CỬA BỨC BÀN – HỆ TAM SONG

Đố vỏ măng. Với nếp nhà ốp đố vách ở vì thuận thì không thể thiếu hệ đố vỏ măng này. Cũng có thể thay thế hệ đố bằng các bức tranh đục chạm hoa văn theo ý thích.

Hệ cửa bức bàn nằm ở giữa 2 cột con. Trên mỗi bộ cửa cửa thường có nhiều cánh, và thường số cánh cửa là số chẵn : 2,4,6.Các cánh cửa mở không dùng bản lề như cửa hiện đại ngày này mà dùng cối quay, ưu điểm của mở kiểu này là cánh không bị xệ. Các cánh có thể tháo dời.

Hệ tam song. Nằm dưới xà tử thượng, trên xà tử hạ và hệ cửa. Có tác dụng lưu thông không khí cho ngôi nhà.

Hệ tam song
Hình ảnh hệ tam song
  • Ngoài những chi tiết cơ bản nêu trên thì cấu tạo nhà gỗ truyền thống còn có những chi tiết nhỏ như; dép nóc,dép hoành,lá hạ diệp,tàu mái, lá mái,đấu đĩa,bánh rong,lá cổ, ngưỡng…Chúng được kết hợp hài hòa và logic tạo nên một công trình nhà gỗ truyền thống uy nghi,sang trọng mang đậm bản sắc kiến trúc Việt.

GỖ TÂN KIẾN – GÌN GIỮ NẾP NHÀ VIỆT

Gỗ Tân Kiến; đơn vị thi công nhà gỗ, nhà thờ họ uy tín và chuyên nghiệp hàng đầu trong khu vực. Hoặc liên hệ trực tiếp đến nghệ nhân Nguyễn Đình Tĩnh để nhận tư vấn chuyên sâu hơn.

XƯỞNG NHÀ GỖ TÂN KIẾN

Địa chỉ: KCN Canh Nậu Thạch Thất Hà Nội

Điên thoại: 0837736565 nghệ nhân Nguyễn Đình Tĩnh

Hotline: 0848252555 Kts Nguyễn Đình Tân

Website: https://gotankien.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *